“Tò he cụ bán mấy đồng
Con mua một cái cho chồng con chơi”
Tò he – một món đồ chơi dân dã, mang trong mình linh hồn của cả một nền văn minh lúa nước. Làm bột nặn không khó nhưng để biến “món quà từ hạt ngọc vàng” thành những con tò he với đủ hình thù và hương sắc quả không phải là điều dễ dàng.
Chúng tôi cùng các em nhỏ trường Alaska tìm về làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Ngôi làng nhỏ cách thủ đô 35km được bao quanh bởi đồng lúa. “Người dẫn đường” cho các bạn nhỏ hôm nay là nghệ nhân Đặng Văn Hậu, một nghệ nhân trẻ tuổi, đã góp công không nhỏ trong việc hồi sinh món đồ chơi truyền thống dân dã này.
Ảnh: Nghệ nhân Đặng Văn Hậu giới thiệu về lịch sử của tò he trong văn hóa Việt Nam
Anh Hậu bày ra trước mắt chúng tôi vài chiếc bàn tre trưng bày tò he với đủ các loại hình thù và sắc màu, được xếp nối nhau khoảng chừng 3m. Không gian trưng bày của nghệ nhân hết sức giản dị nhưng lại tái hiện cả chặng đường hơn 300 năm lịch sử của nghề làm Tò he.
Ngày xưa, nghề nặn con giống bột vốn có gốc từ phố cổ Hà Nội mà nổi tiếng nhất là chợ Đồng Xuân và khu vực Phố Khách với hai trường phái khác biệt. Người Đồng Xuân chuộng nặn các con giống trơn gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà và lợn thuộc bộ “Lục súc tranh công” – câu chuyện cổ thời vua Minh Mạng nhằm răn dạy con người không nên so bì thiệt hơn. Người Phố Khách lại ưa nặn các hình tượng huyền thoại trong bộ “Tam sư” (Lân, Nghê, Sư) và “Tứ Linh” (Long, Ly, Quy, Phượng), cầu kì hơn về kiểu dáng và màu sắc. Mai một qua nhiều thế kỷ, giờ đây, Tò he cổ được hồi sinh qua bàn tay khéo léo và sự tâm huyết của người nghệ nhân trẻ. Đó còn là sự đổi mới theo thời gian để phù hợp với thị hiếu của thiếu nhi hiện đại với các nhân vật phim, truyện như Công chúa Elsa, Sudoku, Superman. Dụng cụ làm tò he cũng chẳng cầu kì: vài cục bột màu, một chiếc lược con, nắm que tre nhỏ và chút xà bông.
Tò he của làng Xuân La vốn chỉ là thứ “bánh chim cò” trên mâm cỗ cúng lễ Trung Thu, được làm từ bột gạo và nếp luộc chín rồi đem nhuộm thành từng vắt. Màu vàng làm từ củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ nhọ nồi và màu xanh từ lá ngót nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm thường được gắn với một chiếc kèn ống sậy, khi thổi có tiếng “tò…te”, sau đọc chệch thành “tò he”. Năm 1962, nghệ nhân Vũ Văn Sai sáng tạo nên tò he nặn trên que tre để dễ phơi khô và có thể nặn bán ở những nơi lễ hội. Đã có những chặng thời gian mà nghề làm tò he trở nên có nguy cơ mai một bởi sự xuất hiện tràn lan của đồ chơi nhựa, vừa rẻ, vừa hấp dẫn và cùng với nó là sự thờ ơ của mọi người đối với những giá trị văn hóa truyền thống.
Ảnh: Các bạn nhỏ trường TH Alaska trải nghiệm làm tò he
Nhưng có lẽ sức sống của tò he còn mạnh mẽ hơn thế. Tưởng như các bạn nhỏ hôm nay có thể dễ dàng bỏ qua những món đồ chơi truyền thống bình dị nhưng ngược lại, các con háo hức, say mê nhào nặn những con giống, những bông hoa, những nhân vật mà các bạn ngưỡng mộ với đôi bàn tay nhỏ bé của mình. Nếu các nghệ nhân trăn trở việc làm sao để truyền nghề và giữ nghề thì chúng tôi – Hanoi Innovative Learning Lab – cũng trăn trở làm sao để con trẻ có thể tiếp cận và trân trọng những giá trị văn hóa của cha ông ta qua những buổi học trải nghiệm ngoài thực tế.
Một buổi học trải nghiệm ngắn ngủi có thể chưa đủ để các con hiểu hết ý nghĩa cùng sự độc đáo và đa dạng của nghề Tò he nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ gieo vào tuổi thơ của các con một ký ức, như một điểm quy chiếu khi các con muốn tìm hiểu sâu hơn về đất nước con người Việt Nam hoặc so sánh nó với các nền văn minh khác.
If you require more information about our programs, please do not hesitate to contact us:
Hotline: 0982 230 000
Email: contact@hill.edu.vn