“Muốn ăn cơm trắng cá trê,
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”
Khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đâu đâu cũng có nón. “Chiếc nón bài thơ” nhắc gợi về xứ Huế với con sông Hương đằm thắm và dịu dàng. Nón lá Cần Thơ từ lá cây mật cật mượt mà và bền bỉ. Còn nón làng Chuông vốn đã nức tiếng cả vùng đồng bằng Bắc Bộ bởi sự tinh tế trong từng khâu sản xuất và phiên chợ làng Chuông vô cùng độc đáo.
Ngày 22/06 vừa qua, chuyến đi đầu tiên trong chuỗi dã ngoại khoa học hè 2019 đã diễn ra với điểm đến là làng nón Chuông, Thanh Oai, Hà Nội. Đây cũng chính là ngày nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc khiến các phụ huynh không khỏi lo lắng. Vậy mà đến cuối ngày, các con không còn thắc mắc “Ở đây có điều hòa không ạ?”, mà chỉ nài nỉ “Chờ con thêm một chút mới về nhé”.
Ảnh: Các bạn nhỏ thăm quan và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân làng Chuông
Vậy các bạn ấy đã học được những gì từ buổi trải nghiệm làng nón Chuông?
Các bạn nhỏ được tới thăm phiên chợ quê đặc trưng của làng Chuông với các sản phẩm truyền thống được bày bán mà nhiều nhất là nón lá. Qua quan sát hoạt động của các tiểu thương, các con đã phần nào hiểu được sự vất vả của những người làm nón, bán nón cũng như bức tranh về làng quê Việt Nam vô cùng sinh động, rõ nét.
Với chủ đề “Tài nguyên tái sinh, tài nguyên không tái sinh và tài nguyên vĩnh cửu”, các bạn nhỏ đã cùng nhau tham gia trò chơi đồng đội “Resources Hunt” bao gồm nhiều trạm ẩn giấu. Hai đội “Rừng Xanh” và “Mặt trời” đã xuất sắc vượt qua các trạm và thu về cho mình các kiến thức về các loại tài nguyên đồng thời rèn luyện các kỹ năng như sự nhanh tay, nhanh mắt, kỹ năng làm việc nhóm,…. Mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ, khẩu hiệu “Rừng Xanh: Cấp khí trong lành” và “Mặt trời: Sưởi ấm muôn nơi” được đồng thanh vang lên cùng với sự vui sướng của các bạn nhỏ.
Ảnh: Trò chơi đồng đội Resources Hunt
Buổi chiều, các con được quan sát các công đoạn làm nón đồng thời được thực hành rẽ lá, làm nhôi. Dưới bóng chiều oi ả, các con đã nhận định: làm nón là một nghề rất vất vả. Vì vậy, các bạn nhỏ rất mong muốn được dùng chiếc nón lá, mũ nan vì chúng là tài nguyên tái sinh sẽ tốt cho môi trường hơn là mũ vải thông thường. Chiếc nón sau đó được tô điểm sắc màu dưới ngòi bút lông và sự sáng tạo của các bạn nhỏ.
Ảnh: Trải nghiệm một số công đoạn làm nón lá
Theo đà chuyển dịch của thời gian, nón lá Việt Nam đã từ chức năng đội nắng che mưa chuyển dịch thành thứ đồ trang trí mang giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Hình ảnh nón lá theo đó cũng trở nên xa lạ. Mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm là một lần trưởng thành. Trong một thế giới luôn biến động và một thời đại tôn sùng sự thực dụng, chính sự nhận thức về vai trò của tài nguyên và các giá trị văn hóa sẽ giúp các con hành động để bảo tồn nét đẹp truyền thống Việt Nam.
If you require more information about our programs, please do not hesitate to contact us:
Hotline: 0982 230 000
Email: contact@hill.edu.vn