ALASKA ELEMENTARY SCHOOL STUDENTS EXPERIENCE AT VIETNAMESE WOMEN'S MUSEUM

Giáo dục trải nghiệm là một quá trình liên tục, bắt nguồn từ thực nghiệm để tạo ra tri thức thông qua suy ngẫm về điều xảy ra, khái niệm hoá nó và sau đó sử dụng kiến thức từ trải nghiệm để áp dụng vào một tình huống mới. Song kiến thức không phải là mục đích duy nhất và quan trọng nhất mà sự phát triển về khả năng tư duy cùng các kỹ năng làm việc mới là đích đến của phương pháp giáo dục này.

Thoạt tiên, việc lựa chọn Bảo tàng Phụ nữ cho dịp 8/3 đến gần là một lựa chọn tất yếu. Một mặt, nội dung trưng bày của Bảo tàng đề cập đến chủ đề “Vai trò của người phụ nữ trong gia đình”, là những kiến thức mà các con được học nhiều ở đầu bậc tiểu học (Bài “Cha mẹ” trong sách Tiếng Việt lớp 2 – tập 1; bài “Các thế hệ trong một gia đình” trong sách Tự nhiên và Xã hội lớp 3). Mặt khác, đây là một không gian được thiết kế chuyên nghiệp, mang tính quốc tế, các trưng bày chứa đựng lượng thông tin đồ sộ nhưng lại vô cùng gần gũi, dễ hiểu và dễ cảm với các em học sinh.

Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Tuy nhiên, mục tiêu của buổi trải nghiệm không đơn thuần là nhớ được nội dung của các hiện vật hay các chủ đề trưng bày. Thông qua các hoạt động thiết kế cho buổi tham quan bảo tàng, HILL hướng tới việc khơi dậy cho học sinh những xúc cảm về cha mẹ, tạo học sinh ý thức được nữ giới và nam giới có trách nhiệm chia sẻ cùng nhau các công việc trong gia đình (mục tiêu thứ 5 “Gender equalities” trong 17 mục tiêu vì sự phát triển bền vững). Để làm điều này, học sinh được yêu cầu tương tác với các hiện vật tại bảo tàng quan sát, đặt câu hỏi, ghi chép, tổng hợp thông tin. Như vậy, học sinh được rèn luyện năng lực tư duy cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc (làm việc nhóm, thuyết trình,…)

Ví dụ 1: Nâng cao năng lực tư duy như thế nào? 
Tại bảo tàng Phụ nữ, các bạn nhỏ được yêu cầu ghi chép lại tên và thông tin của những hiện vật mà các con cảm thấy yêu thích, những hiện vật được HDV bảo tàng giới thiệu như trang phục cưới của một số dân tộc ở Việt Nam, các công cụ sản xuất trong gia đình, tên những người phụ nữ có công trong lịch sử,… Việc quan sát và ghi chép sẽ dẫn dắt học sinh tới quá trình đặt câu hỏi để tìm kiếm thông tin và ở cấp độ cao hơn là so sánh và phản biện chứ không đơn thuần chỉ chấp nhận thông tin một cách thụ động.

Ảnh: Học sinh trường TH Alaska tìm hiểu các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng

Ví dụ 2: Rèn luyện kỹ năng làm việc 
Làm việc nhóm là cơ hội tuyệt vời để phát triển các kỹ năng cá nhân, khám phá các giá trị của bản thân trong môi trường tập thể. Đề bài cho hoạt động nhóm lần này là con hãy tự sắp xếp công việc cho các thành viên để hiểu vai trò của phụ nữ (bà, mẹ, chị,…) trong gia đình. Các bạn nhỏ hào hứng vô cùng khi được đóng vai ông bà, bố mẹ và con cái, tự đặt tên cho gia đình của mình và có một cuộc họp gia đình nho nhỏ để thảo luận trách nhiệm của các thành viên. Ai nên là người đi kiếm tiền, ai là người nấu cơm, rửa bát, chăm sóc con cái? Việc nhà có của riêng ai hay nên được chia sẻ cho tất cả các thành viên? Bài học này yêu cầu các con phải quan sát, liên hệ với công việc hàng ngày của bố và mẹ, suy nghĩ về sự khác nhau giữa nam giới và nữ giới đồng thời bước đầu hình thành vốn từ vựng về giới như nam – nữ, con gái – con trai, phụ nữ – đàn ông,… và biết cách sử dụng chúng sao cho phù hợp.

Ví dụ 3: Học tập chủ động thông qua tương tác
Chúng tôi lựa chọn hiện vật ‘Nhật ký bà Phùng Thị Tú viết cho hai con trai sinh đôi’ với những dòng như “Biết rằng phía trước dù còn nhiều vất cả nhưng vì các con mẹ sẽ cố gắng. Mẹ yêu các con nhiều lắm!’ cho bài tập tương tác của buổi học. Nhiệm vụ của HS là đọc và nghĩ về những khó khăn khi mẹ sinh con ra và nuôi dưỡng con trưởng thành, từ đó, các con viết một bức thư gửi cho mẹ để thể hiện tình cảm và sự biết ơn của mình. Như vậy, trẻ không chỉ đọc và nhớ thông tin một cách thụ động mà hiệu quả của việc học được tối ưu bằng sự suy ngẫm, liên hệ với câu chuyện của chính mình.

Ảnh: Hoạt động nhóm chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong gia đình”

Chúng tôi hy vọng rằng từ sự tương tác với một bức thư có thật nói về những tình cảm mẹ dành cho con, các con có thể viết được một bức thư cho mẹ xuất phát từ cảm xúc cùng sự suy ngẫm, thấu hiểu tình yêu của mẹ chứ không phải là những lời lẽ lấy những bài văn mẫu khô khan, sáo rỗng.

Nhân ngày 8/3, HILL xin gửi ngàn lời chúc tốt đẹp tới “một nửa thế giới”. Chúc phái nữ luôn luôn xinh đẹp, tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và có những đứa trẻ biết yêu thương và có trách nhiệm.

If you require more information about our programs, please do not hesitate to contact us:

Hotline: 0982 230 000

Email: contact@hill.edu.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

en_USEN